Chính Sách Cho Thuê Căn Hộ
Việc hiểu về các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh cho thuê căn hộ trở nên vô cùng cần thiết, không chỉ đối với bên cho thuê mà còn cả bên thuê. Trong bài viết này, Property Plus sẽ cung cấp thông tin cần thiết các quy định của pháp luật về căn hộ chung cư và những lưu ý khi thuê căn hộ chung cư.
1. Quy định chung về hình thức cho thuê căn hộ
1.1. Quy định pháp luật về căn hộ chung cư
Căn hộ chung cư là một loại hình bất động sản dựng lên từ việc xây dựng một tòa nhà hoặc tập hợp các tòa nhà, trong đó mỗi tòa nhà có nhiều căn hộ riêng biệt. Các căn hộ trong tòa nhà chung cư thường được thiết kế và xây dựng để phục vụ cho nhu cầu ở của cư dân, và họ có thể sở hữu hoặc thuê các căn hộ này. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014:
“Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh”.
1.2. Cho thuê căn hộ chung cư có phải đăng ký kinh doanh không?
Căn cứ vào Khoản 5, Điều 5 Nghị Định 02/2022/NĐ - CP có quy định
“Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Kinh doanh bất động sản không bắt buộc phải có các điều kiện quy định tại Điều 4 của Nghị định này bao gồm:
5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình.
Hoạt động cho thuê nhà ở là một hình thức kinh doanh bất động sản nhưng không thuộc các trường hợp phải đăng ký kinh doanh. Việc hộ gia đình, cá nhân cho thuê căn hộ thuộc trường hợp cho thuê bất động sản quy mô nhỏ và không thường xuyên, chính vì vậy không cần phải thành lập doanh nghiệp.
2. Quy định pháp luật về cho thuê căn hộ
2.1 Quy định hợp đồng thuê căn hộ
Căn cứ vào quy định Khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bất động sản 2014:
“2. Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.” Chính vì vậy, cho thuê căn hộ cũng là một lĩnh vực trong kinh doanh bất động sản thế nên soạn thảo và ký kết hợp đồng cho thuê văn phòng là điều kiện bắt buộc.
Căn cứ vào Điều 121, Luật nhà ở 2014, nội dung cơ bản của hợp đồng cho thuê Căn hộ bao gồm bao gồm những điều khoản sau:
- Thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại của hai bên cho thuê và thuê căn hộ chung cư
- Thời hạn thuê (nêu rõ thời hạn bắt đầu thuê và ngày hết hạn thuê)
- Các thông tin về căn hộ chung cư
- Giá cho thuê căn hộ chung (bao gồm các dịch vụ nếu có)
- Phương thức và thời hạn thanh toán;
- Thời hạn giao, nhận căn hộ và hồ sơ kèm theo;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phạt vi phạm hợp đồng;
- Các trường hợp chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng và các biện pháp xử lý;
- Giải quyết tranh chấp;
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
2.2 Điều kiện cho thuê căn hộ
Căn cứ vào khoản 1, Điều 118 về điều kiện căn hộ để ở tham gia giao dịch thuê cần đáp ứng những tiêu chí sau:
“Điều 118. Điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch
1. Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
c) Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Các điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.”
3. Những lưu ý khi thuê căn hộ chung cư
3.1. Kiểm tra tài liệu pháp lý về căn hộ
Trước khi thuê căn hộ chung cư, quý khách cần kiểm tra các tài liệu pháp lý liên quan như Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ hoặc Hợp đồng mua bán căn hộ có sự xác nhận của Chủ đầu tư. Đảm bảo rằng không có tranh chấp hoặc khiếu nại về quyền sở hữu và quyền sử dụng căn hộ chung cư. Quý khách cũng nên có quyền xem xét tình trạng pháp lý thực tế của căn hộ và đặt câu hỏi liên quan. Đừng bỏ qua khả năng căn hộ đang bị thế chấp và ngân hàng có thể hạn chế việc cho thuê.
3.2. Ký hợp đồng thuê căn hộ và lập biên bản bàn giao nhà
Khi thỏa thuận về giá thuê, các bên cần xem xét và thảo luận về việc đặt cọc. Quy định về đặt cọc cần được xác định một cách rõ ràng, và việc này phải được thể hiện trong văn bản hợp đồng thuê, được ký kết bởi tất cả các bên. Quý khách cần đặc biệt chú ý đến các khoản chi phí liên quan đến tiện ích và dịch vụ trong hợp đồng thuê, và đảm bảo đọc kỹ hợp đồng để tránh nhầm lẫn và rắc rối trong tương lai.
Thực hiện việc lập biên bản bàn giao nhà cẩn thận để ghi lại tình trạng của căn hộ và trang thiết bị khi bạn nhận căn hộ.
3.3. Khai báo tạm trú khi chuyển tới ở căn hộ
Nếu quý khách là người thuê căn hộ cho mục đích ở, quý khách và gia đình cần thông báo cho cơ quan Công an tại xã, phường hoặc thị trấn nơi căn hộ chung cư đặt tại về việc tạm trú. Thời hạn đăng ký tạm trú thường là 30 ngày.
Dịch vụ quản lý của Property Plus hỗ trợ đại diện khách hàng làm việc với sở tại về việc lưu trú và các thủ tục hành chính như khai báo tạm trú.